Bách Hóa Xanh ngừng mở mới trong năm 2022 để sắp xếp lại.
Trong kế hoạch năm nay của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG), ngoài những kỳ vọng về doanh thu và lợi nhuận như bình thường, đáng chú ý công ty cho biết sẽ dừng mở mới hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh.
Lý do được đưa ra trong báo cáo là để củng cố nền tảng vận hành, và chuẩn bị cho việc mở rộng từ năm 2023. Mới đây, trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư đầu năm, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch công ty, tiếp tục thông tin làm rõ vấn đề này.
Theo ông Tài, thời gian tới Bách Hóa Xanh sẽ có những điều chỉnh rất lớn liên quan tới các cửa hàng, sản phẩm, cách trưng bày và cuối cùng là trải nghiệm của khách hàng.
Ông Tài - người phụ trách Bách Hóa Xanh thay ông Trần Kinh Doanh, chia sẻ chuỗi bán lẻ này sẽ không tập trung quá nhiều vào việc tìm kiếm lợi nhuận, nhưng một khi doanh thu đủ lớn thì điểm hòa vốn có thể xuất hiện.
"Chúng tôi tập trung vào gia tăng trải nghiệm của khách hàng cũng như chất lượng sản phẩm để tăng doanh thu trên mỗi shop", ông Tài nói.
Những cải cách cần có tại Bách Hóa Xanh
Người đứng đầu Thế Giới Di Động cho biết việc đầu tiên cần làm với Bách Hóa Xanh là tăng chất lượng cho cho các mặt hàng tươi sống. Đơn cử như không bán lại rau củ để qua đêm, mở nhiều chương trình khuyến mãi như mua hai tặng một.
Theo ông Tài, chi phí để kéo một khách hàng tới shop là rất tốn kém. Tuy nhiên, nếu khách hàng có trải nghiệm không vui vẻ tại Bách Hóa Xanh như mua một trái sầu riêng hỏng là họ sẽ quay lưng với cửa hàng.
"Công ty ý thức rõ chất lượng sản phẩm là điều sống còn, đặc biệt là với mặt hàng tươi sống", ông Nguyễn Đức Tài nói thêm.
Cải cách tiếp theo sẽ đến từ việc tăng trải nghiệm khách hàng cùng với xây dựng nền tảng quản trị tốt để tăng doanh thu. "Khi chuỗi đạt đến điểm hòa vốn, tập đoàn sẽ tăng tốc mở rộng ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc, dự kiến trong năm 2023", ông Tài tiết lộ thêm về kế hoạch sắp tới.
Công ty cũng sẽ bắt đầu chào đón đối tác chiến lược vào cuối năm nay, khi mọi thứ đã được xây dựng hoàn chỉnh, doanh thu tăng và xuất hiện điểm hòa vốn.
Về kế hoạch IPO, ông Tài cho biết cần thêm một thời gian nữa, khi doanh thu tăng đủ để Bách Hóa Xanh trở thành đơn vị dẫn dắt thị trường "thì kế hoạch IPO khi đó mới triển khai".
Chủ tịch Thế Giới Di Động nhận định thị trường bán lẻ thực phẩm được đánh giá có quy mô lớn và năm nay có thể tăng trưởng hơn 5%. Tuy nhiên, thị phần của Bách Hóa Xanh chưa cao nên cơ hội để tăng doanh thu và giành thị phần là rất lớn.
"Bách Hóa Xanh cần khoảng nửa năm để củng cố lại mức doanh thu bình quân 1,2 tỷ đồng/shop/tháng và sau đó tiếp tục nhích lên. Mục tiêu của chuỗi này là tăng trưởng doanh thu khoảng 30-50% so với năm ngoái", ông Tài nói.
Tiến vào mảng bán lẻ siêu thị từ năm 2015, đến nay Bách Hóa Xanh cùng với Saigon Co.op và WinCommerce - đơn vị sở hữu WinMart/WinMart+ là ba nhà bán lẻ nội địa lớn nhất Việt Nam, xét theo doanh thu, với doanh thu trung bình năm xấp xỉ 30.000 tỷ đồng.
Dù lãi lớn trong năm 2021 nhưng công ty xe điện không phải đóng bất cứ khoản thuế nào trong năm ngoài và có thể là trong tương lai.
Theo hồ sơ tài chính giữa Tesla và Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ, công ty xe điện nghìn tỷ đô này có thể không cần nộp thuế liên bang trong tương lai gần, mặc dù công ty vừa báo cáo mức lợi nhuận năm lớn nhất vào năm ngoái.
Năm 2021, Tesla ghi nhận lợi nhuận ròng toàn cầu 5,5 tỷ USD và qua điều chỉnh là 7,6 tỷ USD. Tuy ghi nhận lãi nhưng hãng xe điện cho biết riêng hoạt động kinh doanh tại Mỹ của họ đã lỗ 130 triệu USD trước thuế.
Hơn 6 tỷ USD lợi nhuận của Tesla chủ yếu đến từ nước ngoài, bất chấp 45% doanh thu đến từ hoạt động bán hàng ở Mỹ. Ở nước ngoài, Tesla phải đóng khoản thuế khổng lồ lên tới 839 triệu USD nhưng thuế trong nước chỉ vỏn vẹn 9 triệu USD, trong khi thuế liên bang bằng 0.
Martin Sullivan, Trưởng ban Kinh tế học của Tax Analysts cho biết khoản lỗ 130 triệu USD của Tesla là điều thường thấy ở các tập đoàn đa quốc gia. Họ chủ đích cơ cấu lại hoạt động kinh doanh để biến các chi nhánh nước ngoài thành đơn bị báo cáo thu nhập chính, trong khi trụ sở đặt tại Mỹ lại chỉ có rất ít, thậm chí là không có thu nhập chịu thuế.
Ví dụ, một công ty có thể chuyển nhượng tài sản trí tuệ cho đơn vị nước ngoài, sau đó tính phí sử dụng tài sản này tại trụ sở Mỹ. Hoạt động kinh doanh tại nước ngoài theo đó thường ghi nhận mức lợi nhuận lớn, trong khi chi nhánh đặt tại Mỹ tự gánh rất nhiều chi phí và báo lỗ hoặc không mấy khi có lãi.
“Đây là vấn đề mang tính đa quốc gia ở Mỹ. Một việc rất phổ biến và hầu như không phạm pháp”, ông Sullivan nói. Một báo cáo gần đây của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy 61% lợi nhuận quốc tế của các công ty đa quốc gia Mỹ được ghi nhận tại 7 quốc gia là Bermuda, Caymans, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Singapore và Thụy Sĩ, những nơi được xem là thiên đường thuế.
Nhiều quan chức Mỹ đã từng lên tiếng về vấn đề này. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một người thường xuyên chỉ trích Musk, cho biết: "Tesla và các tập đoàn khổng lồ khác từ lâu đã sử dụng các chiêu trò và sơ hở để giúp họ thoát khỏi việc nộp thuế. Điều đó đã phải dừng lại"
Theo CNN, hồ sơ tài chính của Tesla không giải thích chính xác các hoạt động của công ty. Ví dụ: báo cáo không cho biết quốc gia nào đang có lợi nhuận ngoài những khoản lỗ triền miên trên đất Mỹ. Tesla cũng từ chối trả lời điều đó.
Tuy nhiên, CNN cũng không ngoại trừ khả năng các khoản lỗ trước thuế tại Mỹ của Tesla là dấu hiệu cảnh báo khả năng hoạt động của công ty. CNN đưa ra giả thuyết Tesla vẫn đang thua lỗ trên những chiếc xe mà công ty đang bán ở Mỹ và họ chỉ có thể kiếm tiền bằng cách sản xuất với chi phí thấp hơn ở một nhà máy tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Nhà phân tích Gordon Johnson của GLJ Research, chỉ ra rằng Tesla đã thua lỗ tổng thể cho đến khi bắt đầu sản xuất ô tô ở Thượng Hải vào tháng 10/2019.
Bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp quý IV/2021 ghi nhận trái chiều giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh những doanh nghiệp báo lãi lớn, cũng có không ít doanh nghiệp ngậm ngùi ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam năm 2021 chịu thử thách với hai đợt dịch COVID-19 bùng phát tại các trung tâm công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam.
Thống kê sơ bộ từ một số doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý IV cho thấy, lợi nhuận của một số doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
Đơn cử, CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC, Mã: HPI) ghi nhận kết quả kinh doanh quý IV/2021 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế (LNST) của công ty chỉ đạt hơn 17 tỷ đồng và hơn 9 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ, con số này lần lượt là 159 tỷ đồng và gần 84 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận quý này giảm mạnh là do doanh thu hoạt động cho thuê lại đất giảm tới 98% do công ty không có nhiều hợp đồng cho thuê lại đất.
Tương tự với CTCP Long Hậu (Mã: LHG), doanh nghiệp chỉ đem về gần 63 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 24 tỷ đồng LNST, giảm lần lượt 65% và 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do quý IV vừa qua, công ty khôn ghi nhận doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây sẵn.
CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (Mã: TIP) cho biết, hầu hết doanh thu từ các mảng hoạt động đều giảm trong quý IV do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đó, doanh thu thuần và LNST của Tín Nghĩa ghi nhận giảm lần lượt 59% và 38% so với cùng kỳ, lần lượt đạt gần 37 tỷ đồng và gần 39 tỷ đồng.
Hay như CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (Mã: D2D), do hụt thu từ mảng bất động sản dân dụng và quỹ đất cho thuê không còn nhiều nên doanh thu và LNST quý này ghi nhận sụt giảm 11% và 42% so với cùng kỳ, đạt gần 129 tỷ đồng và hơn 48 tỷ đồng.
Với CTCP Sonadezi Long Thành (Mã: SZL), doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm nhẹ và LNST giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 93 tỷ đồng và gần 25 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty giảm tiền thuê nhà xưởng, phí quản lý cho khách hàng trong khu công nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Vẫn có doanh nghiệp báo lãi lớn
Một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến trong quý vừa qua phải kể đến Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC). Công ty ghi nhận 3.692 tỷ đồng doanh thu thuần và 442 tỷ đồng LNST; tăng lần lượt 59% và 325% so với cùng kỳ năm 2020.
Luỹ kế cả năm 2021, Viglacera đạt 11.201 tỷ doanh thu thuần, 1.280 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 19% và gấp hơn 1,9 lần so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu năm 2021, mảng dịch vụ cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng tới 66% lên 2.552 tỷ và xếp ở vị trí á quân về sức đóng góp.
Hay như doanh nghiệp bất động sản tại Đồng Nai là Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi, Mã: SZN) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu thuần và LNST quý IV của doanh nghiệp đạt gần 1.455 tỷ đồng (không biến động mạnh) và hơn 434 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Sonadezi là mảng kinh doanh khu công nghiệp với gần 471 tỷ đồng (cùng kỳ gần 400 tỷ đồng).
CTCP Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC) là một trong những công ty con của Sonadezi ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý cuối năm vừa qua. Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 148 tỷ đồng và LNST đạt hơn 68 tỷ đồng, tăng lần lượt 109% và 187% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần như toàn bộ doanh thu trong quý của công ty đến từ hoạt động cho thuê đất và phí quản lý các khu công nghiệp.
Hay CTCP Thống Nhất (Mã: BAX) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý này tăng trưởng mạnh. Cụ thể, doanh nghiệp đem về gần 95 tỷ đồng doanh thu và gần 29 tỷ đồng LNST, tăng lần lượt 238% và 180% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận tăng là do ghi nhận doanh thu dự án Khu trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp Bàu Xéo.
Một đơn vị phát triển bất động sản khu công nghiệp khác ở phía Nam là CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC) cũng có kết quả kinh tích cực. Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 106 tỷ đồng, tăng 54% và LNST hơn 82 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ.
Theo giải trình của doanh nghiệp, doanh thu quý này tăng chủ yếu do ghi nhận doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp (ghi nhận một lần toàn bộ giá trị hợp đồng cho thuê đối với một hợp đồng cho thuê lại đất).
Cửa sáng trong năm 2022
Năm 2022, bất động công nghiệp được giới chuyên gia đánh giá là một trong những phân khúc có nhiều ưu thế để lấy lại và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Một số yếu tố thuận lợi có thể kể đến như sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết đã làm gia tăng nhu cầu về đất công nghiệp trên cả nước. Bên cạnh đó, các dịch vụ nhà xưởng, kho bãi, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, mảng dịch vụ logistics cũng hứa hẹn tiềm năng lớn,...
Trong một báo cáo phân tích vừa công bố, các chuyên gia SSI đưa ra dự phóng lãi ròng 2022 của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp tăng 18-26% so với cùng kỳ.
Trong đó, tổng diện tích đất cho thuê của các khu công nghiệp tăng 15% -20% mỗi năm. Lợi nhuận của một số doanh nghiệp như CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, Mã: BCM), CTCP Long Hậu (Mã: LHG) và Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) ước tính tăng mạnh do có thêm doanh thu từ các KCN mới đi vào hoạt động như NTU3, Cây Trường, LH3 mở rộng và Nam Sơn Hạp Lĩnh.
Còn các khu công nghiệp hiện tại với lợi thế về chi phí đầu tư thấp như Hựu Thạnh và Châu Đức sẽ tiếp tục có biên lợi nhuận cao.
SSI dự báo doanh thu và LNST của CTCP Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC) năm 2022 ước tính đạt 935 tỷ đồng (tăng 35,3%) và 424 tỷ đồng (tăng 36,1%) do các MOU đã cam kết sẽ được ký hợp đồng chính thức vào năm 2022.
Đối với Tổng Công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC), SSI dự báo doanh thu sẽ tăng trưởng 75% so với cùng kỳ lên 7.500 tỷ đồng. Trong đó, diện tích thuê đạt 60 ha tại khu công nghiệp Hựu Thạnh (gấp đôi năm ngoái) với giá 137 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 5%). LNST của doanh nghiệp có thể đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ.
Tại Kinh Bắc, doanh nghiệp sẽ ghi nhận việc mở bán KĐT Tràng Cát và doanh thu ổn định từ các khu công nghiệp đang hoạt động. Trên cơ sở này, SSI đưa ra dự báo doanh thu thuần và LNST trong năm 2022 của Kinh Bắc lần lượt đạt 10.600 tỷ đồng và 3.800 tỷ đồng, lần lượt tăng 124% và 205,4% so với cùng kỳ.
Thị trường bất động sản nói riêng hay nền kinh tế nói chung luôn vận động có tính chu kỳ. Việc dự báo sự vận động của thị trường sẽ giúp nhà đầu tư chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh, mua bán bất động sản. Ngoài các dữ liệu nghiên cứu, việc dự báo thị trường còn có thể tham chiếu qua kiến thức phong thủy. Tại talkshow chủ đề "Thị trường bất động sản 2022 sẽ vận động ra sao dưới góc nhìn phong thủy" do Batdongsan.com.vn tổ chức, ông Tam Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Phong thủy Dịch học Thế giới phân hội Việt Nam đã có những chia sẻ về chủ đề này.
Đầu tiên, lý giải việc có thể dựa vào phong thủy để dự đoán bất động sản, ông Tam Nguyên cho biết, phong thủy là bộ môn tổng hợp tất cả các bộ môn toán học, vật lý, tâm lý, xã hội học... căn cứ vào sự vận động của thiên tinh.
Bán hoa cúc có giá lên tới hàng triệu đồng nhưng anh Minh Râu vẫn nhận được sự tán dương vì lí do sau đây.
Ông chủ sạp rau 0 đồng ở Đồng Nai, anh Phạm Hồng Minh (tên thường gọi là Minh Râu) mới đây lại khiến mạng xã hội cảm thấy thích thú với phong cách bán hàng "cho nhiều hơn bán" của mình.
Thay vì sản phẩm rau "đột biến" giá 5 tỷ đồng nhưng ai xin cũng cho, anh Minh Rau mới đây lại gây bão mạng với tấm biển quảng cáo bán hoa cúc cho dịp Tết này, giá bán vẫn "ở trên trời" nhưng thông điệp phía sau luôn giữ tinh thần sẻ chia của anh bán rau nổi tiếng nhất Việt Nam này.
Cụ thể, lần này Minh Râu cũng rao bán hoa cúc với giá tiền triệu, nhưng lại không ngần ngại "cho hoặc biếu". Theo bài viết do chính Minh Râu đăng tải, hoa cúc mà anh bán là hàng "đột biến", hiếm có khó tìm. Vì thế, giá của chúng đều rơi vào tiền triệu, dao động từ 1,5-4 triệu đồng/cặp. Nếu ai thấy giá cả hợp lý thì có thể đến Uỷ ban Nhân dân phường An Bình, TP. Biên Hoà để mua.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây đó là nếu bán không hết, Minh Râu sẵn sàng "tặng, cho hoặc biếu luôn". Và đặc biệt là "chiều 29, 30 Tết sẽ tăng giá gấp đôi, chứ không bán rẻ".
Dù là những dòng quảng cáo ngô nghê và đầy lỗi chính tả, thứ làm nên thương hiệu cho người đàn ông này, nhưng mọi người vẫn cảm thấy vui vẻ vì lý do thực sự đằng sau mức giá ấy là mong muốn "cho nhiều hơn bán" của anh Minh Râu. Việc làm của anh chỉ đơn giản là giúp đỡ mọi người.
Anh Minh Râu nổi tiếng hơn trong đợt giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng vào năm ngoái. Ông chủ sạp rau này không những không tăng giá rau giữa thời điểm giá cả leo thang mà anh Minh Râu còn tặng cho những ai gặp khó khăn.
Ngoài hành động khiến dân mạng tán dương này, Minh Râu cũng đã liên tục miễn phí tiền thuê nhà cho những người đang thuê trong nhiều tháng dài phải cách ly xã hội.
Anh Minh từng nói: “Tôi không có nhiều nhà, phòng trọ cho thuê vì tôi đâu có giàu có gì. Anh bạn thuê căn nhà của tôi, tôi cũng không biết họ là ai. Tôi chỉ biết anh ấy thuê cũng lâu rồi và hoàn cảnh cũng khổ. Hiện tại, dịch bệnh phức tạp quá, tôi thấy họ càng khó khăn nên miễn cho họ 2 tháng tiền thuê nhà”.
Bước ra khỏi ngành bán lẻ điện thoại, điện máy, Thế Giới Di Động đang ấp ủ những dự định lớn lao tiếp theo.
Khởi nghiệp với số vốn 200 triệu đồng, ông Nguyễn Đức Tài cùng với 3 người bạn mở ba cửa hàng rộng 20m2 tại TP HCM để bán điện thoại vào năm 2004. Gần hai thập kỷ sau, lần lượt vượt qua những tên tuổi để trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam xét cả về quy mô doanh thu lẫn số lượng cửa hàng.
Đến nay, Thế Giới Di Động chạm ngưỡng 5 tỷ USD doanh thu với hơn 5.000 cửa hàng trên toàn quốc, mở rộng từ bán lẻ điện thoại sang điện máy, thực phẩm tiêu dùng. Song cuộc hành trình vẫn chưa dừng lại.
Mới đây, lãnh đạo tập đoàn này tiếp tục cho thấy tham vọng muốn chinh phục tiếp những đỉnh cao mới khi liền một lúc trình làng 5 chuỗi mới, đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ đa ngành, top đầu khu vực.
Khởi nghiệp với bán lẻ điện thoại
"Tôi cam kết với anh một cái duy nhất thôi, nếu cuộc chơi này thất bại, anh em mình trắng tay, anh em mình đi bụi đời. Còn nếu cuộc chơi này thành công thì tôi bảo đảm với anh tương lai huy hoàng và con số anh cộng lại ngày hôm nay nếu tiếp tục đi làm thuê chỉ là hạt đậu phộng trong kho tàng", ông Nguyễn Đức Tài cam kết với người cộng sự của mình trong những ngày đầu khởi nghiệp.
Thế Giới Di Động khởi nghiệp trong bối cảnh điện thoại khi ấy vẫn là thứ mặt hàng xa xỉ dành cho người giàu. Thị trường điện thoại Việt vẫn còn ở thủa sơ khai khi các cửa hàng bán đồ chính hãng manh mún, nhỏ lẻ và chưa thực sự có nhân tố nổi trội dẫn dắt.
Tôi cam kết với anh một cái duy nhất thôi, nếu cuộc chơi này thất bại, anh em mình trắng tay, anh em mình đi bụi đời. Còn nếu cuộc chơi này thành công thì tôi bảo đảm với anh tương lai huy hoàng và con số anh cộng lại ngày hôm nay nếu tiếp tục đi làm thuê chỉ là hạt đậu phộng trong kho tàng
Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài
Tự bước dò dẫm trong đêm, Nguyễn Đức Tài và những người bạn nhanh chóng nhận thất bại chỉ sau ba tháng khởi nghiệp. Vậy nhưng, giấc mơ mang điện thoại giá rẻ chất lượng tốt tới người Việt luôn thôi thúc và không cho phép những người sáng lập Thế Giới Di Động dừng bước.
Tháng 10/2004, một cửa hàng Thế Giới Di Động rộng 200m2 nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP HCM) đã được dựng lên. Từ một cửa hàng, sau những bước đi chập chững đầu tiên đó, đến nay Thế Giới Di Động đã tăng trưởng ngoạn mục khi sở hữu trong tay hơn 2.000 cửa hàng bán điện thoại trên toàn quốc, với thị phần hơn 50% vào năm 2020.
"Nếu nói về bán lẻ, đặc biệt bán lẻ trong lĩnh vực điện thoại, không ai vượt qua được Thế Giới Di Động. Xưa giờ, bản thân tôi hay công ty cũng chưa từng xem ai là đối thủ", ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, tự tin khẳng định trong một lần phỏng vấn.
Sự thành công của Thế Giới Di Động vào bối cảnh bấy giờ có thể nói đã mở ra kỷ nguyên mới cho thị trường bán lẻ điện thoại tại Việt Nam. Công ty lần lượt bắt tay với các ông lớn Apple, Samsung, Huawei,… để đưa điện thoại chính hãng đến tay người tiêu dùng.
Nếu so với thập kỷ trước, có thể nói chưa bao giờ người Việt tiếp cận smartphone, máy tính bảng,… dễ dàng đến thế. Chỉ bằng một cái nhấp chuột trên màn hình máy tính, chỉ bằng vài bước chân ra đầu ngõ ngoài hẻm là có thể trên tay trải nghiệm những sản phẩm công nghệ mới nhất thế giới.
Dấn bước vào thị trường khó nhằn
Khác với mảng kinh doanh đầu tiên là điện thoại - một thị trường sơ khai, thì điện máy lại là một lĩnh vực có sự cạnh tranh, đào thải rất khắc nghiệt. Trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam liên tiếp chứng kiến hàng loạt tên tuổi ngã ngựa. Từ Trần Anh, Viễn Thông A, Topcare, Việt Long… và gần đây nhất hệ thống siêu thị điện máy VinPro tuyên bố giải thể vào tháng 12/2019. Một số đơn vị khác như Pico, HC, MediaMart… cũng đang bám trụ thị trường nhưng với quy mô nhỏ, chật vật trong cuộc đua thị phần.
Trong bối cảnh đó, Thế Giới Di Động là một tay mơ bước vào thị trường từ năm 2010 với chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh có quy mô khiêm tốn. Trong giai đoạn 5 năm đầu (2010 - 2015), hệ thống này mới chỉ có 30 cửa hàng. Nhưng kể từ 4 năm về sau (2015 - 2019), Điện Máy Xanh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, với hành trình phát triển thần tốc, chạm mốc 1.000 shop vào tháng 12/2019, tăng 33 lần so với giai đoạn trước.
Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2021, Điện Máy Xanh đã sở hữu hơn 1.8000 điểm bán tại hầu hết các tỉnh thành và trục đường lớn. Thế Giới Di Động cho biết các cửa hàng quy mô lớn đang đều đặn mang về doanh thu trung bình 10 tỷ đồng/tháng và 4 tỷ đồng/tháng với cửa hàng có diện tích nhỏ hơn.
Hiện nay, thị phần bán lẻ điện máy chủ yếu tập trung ở ba ông lớn là Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim và Điện máy Chợ lớn. Riêng Điện Máy Xanh chiếm 60% thị phần, hoàn toàn áp đảo thị trường. Ông Đoàn Văn Hiểu Em khẳng định chuỗi đã "hoàn thành sứ mệnh".
Tham vọng mang bán lẻ về tay người Việt
Nếu như nỗ lực tham gia thị trường điện máy được đánh giá là có phần mạo hiểm thì việc một bước sang ngang khi tiến vào bán lẻ tạp hoá, thực phẩm của Thế Giới Di Động lại khiến không ít nhà đầu tư khó hiểu.
Những ngày đầu, nhiều người đặt hoài nghi về sự thành công của tập đoàn trong lĩnh vực mới - nơi mà công ty hoàn toàn không có thế mạnh hay kinh nghiệm. Một thị trường mà ngay đến những ông lớn ngoại như Auchan (Pháp), Metro (Đức) hay VinMart (Vingroup) dù tiềm lực tài chính mạnh cũng phải sớm bỏ cuộc thì Thế Giới Di Động sẽ xoay sở ra sao?
Vậy nhưng, với vị thế là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, Thế Giới Di Động dường như đã quá quen với sức ép phải tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm. Bất chấp tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận (CAGR) giai đoạn 2009 - 2017 vẫn đạt trên 55%/năm, lãnh đạo công ty đã nghĩ về chu kỳ tăng trưởng mới cho 10 năm tiếp theo, bắt đầu bằng cái tên: Bách Hoá Xanh.
Hơn 5 năm sau, Thế Giới Di Động đã đưa Bách Hoá Xanh từ con số 0 thành một trong ba đơn vị bán lẻ tạp hoá lớn nhất Việt Nam, cùng với Wincomerce và Saigon Co.op, mang về doanh thu hàng năm xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Công ty dự kiến đến năm 2022, doanh thu của Bách Hóa Xanh bằng doanh thu hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cộng lại.
Giấc mơ về bán lẻ đa ngành
"20 năm tới, Thế Giới Di Động sẽ là một đế chế bán lẻ. Chúng tôi không chỉ ngồi đây mà còn đi ra thế giới" - đây là tham vọng mà ông Nguyễn Đức Tài đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm. Vậy nhưng, chẳng cần tới 20 năm, ngay thời điểm hiện tại, các kiến trúc sư tại Thế Giới Di Động đã đang bắt tay vào kiến tạo nên tầm nhìn về một đế chế như thế.
Sau khi doanh thu vẫn tăng trưởng hơn 1 tỷ USD bất chấp những tác động từ đại dịch, đầu năm nay, Thế Giới Di Động đã liền một lúc ra mắt 5 chuỗi mới gồm: AvaSport (đồ thể thao), AvaFashion (thời trang), AvaKids (mẹ và bé), AvaJi (trang sức) và chuỗi AvaCycle (xe đạp). Chính thức từ một đơn vị bán lẻ điện thoại chuyển sang "bán cả thế giới", trở thành một công ty bán lẻ đa ngành - điểm chạm cho mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Những động lực tăng trưởng mới khiến Thế Giới Di Động không ngần ngại đặt ra mục tiêu đạt doanh thu hơn 140.000 tỷ đồng trong năm nay - mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn, bất chấp những lo ngại về dịch bệnh hay thói quen mua sắm tiêu dùng thay đổi.
Nhìn lại chặng đường vừa qua của Thế Giới Di Động, có thể nhận ra vị thế tập đoàn gầy dựng được cho đến ngày hôm nay phần lớn phụ thuộc vào tinh thần khởi nghiệp không sợ thất bại của những người đứng đầu.
Từ khai phá thị trường bán lẻ điện thoại, xâm chiếm một trong những lĩnh vực khắc nghiệt nhất là điện máy, rồi tay mơ sang bán lẻ tạp hoá,… tất cả đều mang dấu ấn khởi nghiệp, chấp nhận thử sai.
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài từng thừa nhận: "Với tôi, thất bại là một phần của cuộc chơi, muốn có được những điều mới mẻ, phải biết chấp nhận vài lần thất bại. Một người nếu quá sợ thất bại thì ngay cả đi làm công cũng không thể, chỉ lên núi gõ mõ là an toàn nhất."
Ông Emmaunel Bret, cựu lãnh đạo BMW Pháp và Na Uy vừa qua đã biên tâm thư chia tay trên trang cá nhân để chuyển sang vị trí mới tại VinFast.
Sáng 12/1, trên trang Linkedln cá nhân, ông Emmanuel Bret, CEO công ty BMW Thụy Điển đã thông báo về việc gia nhập hãng xe Việt – VinFast với vai trò là Phó Tổng giám đốc, chịu trách nhiệm về khối Kinh doanh và Tiếp thị toàn cầu. Chúng tôi đã liên hệ phía Vingroup song chưa có thông tin chính thức.
"Tôi rất vui và tự hào khi thông báo rằng tôi sẽ gia nhập VinFast, công ty xe điện triển vọng của Việt Nam với vai trò Phó Tổng giám đốc – Kinh doanh và Tiếp thị toàn cầu.
Đã đến lúc tạo dựng tương lai và tôi mong muốn được làm việc với một đội ngũ tuyệt vời cũng như khám phá những nét đẹp văn hóa Việt Nam.
VinFast là tương lai của các phương tiện di chuyển thông minh, với thương hiệu độc đáo và những mẫu xe tuyệt vời. Hy vọng chúng tôi sẽ cùng nhau đạt được những bước tiến mới", ông Bret chia sẻ.
Theo thông tin trên trang Linkedln cá nhân, ông Emmanuel Bret từng tốt nghiệp trường Université Panthéon Assas (Paris II) trước khi theo học tại trường Kinh doanh KEDGE đều tại Pháp. Bên cạnh đó, ông cũng tốt nghiệp Viện Phát triển Quản lý Quốc tế tại Thụy Sĩ theo chương trình đào tạo nhân tài cho hãng xe nổi tiếng BMW.
Về kinh nghiệm làm việc, ông Emmanuel Bret đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thương hiệu, bán hàng và tiếp thị tại các thị trường châu Âu. Giai đoạn 2002 – 2005, ông Bret phụ trách các chiến lược truyền thông cho thương hiệu BMW bao gồm quảng cáo, tiếp thị trực tiếp, CRM và các sự kiện. Đồng thời, ông cũng phát triển các hình ảnh thương hiệu và tích hợp với các chiến lược bán hàng cũng như sáng tạo, lập kế hoạch truyền thông.
Sau đó, ông có quãng thời gian từ năm 2005 đến năm 2010 giữ vai trò Giám đốc thương hiệu MINI tại Pháp trước khi quay lại giữ chức Tổng giám đốc BMW Pháp. Tại đây, ông trở thành Ủy viên Ban chấp hành Tập đoàn BMW Pháp, phụ trách bộ phận bán hàng toàn cầu cho các thương hiệu BMW, BMWi và MINI.
Dưới sự dẫn dăt của ông Emmanuel Bret, tổng sản lượng của Tập đoàn BMW Pháp năm 2010 đã tăng 7,5% so với năm 2009, tạo ra doanh thu 2,1 tỷ euro. Ngoài ra, ông cũng góp phần đưa phòng kinh doanh đứng đầu xét trên mức độ hài lòng của khách hàng. Bên cạnh đó, ông cũng giúp tập đoàn BMW Pháp cộng tác với mạng lưới 177 cơ sở BMW và 112 đại lý MINI trên toàn cầu.
Năm 2014, ông Emmanuel Bret đã chuyển sang nắm giữ vai trò CEO Tập đoàn BMW Na Uy. Đây là thị trường đầu tiên trên thế giới dành cho thương hiệu BMWi. Tại đây, ông đã góp phần tạo ra hệ sinh thái xe điện hàng đầu thế giới hiện nay, bao gồm thực hiện các chiến lược quảng cáo thương hiệu, đưa ra các chiến lược phát triển và bán hàng phù hợp,… qua đó góp phần đưa Tập đoàn BMW Thụy Điển nắm thị phần cao nhất của BMW tại châu Âu.
Kể từ năm 2018, ông Bret đã chuyển sang giữ chức CEO Tập đoàn BMW Thụy Điển, đồng thời phụ trách điều hành khu vực Bắc Âu trước khi chính thức đưa ra thông báo sẽ chuyển sang hãng xe Việt – VinFast vào ngày hôm nay.
Trên trang cá nhân, ông Bret cũng đã biên dòng tâm thư chia tay BMW sau quãng thời gian gần 20 năm gắn bó. "Đã đến lúc nói lời tạm biệt và cảm ơn bạn đã đi xe BMW! Đó là một cuộc phiêu lưu kỳ thú, từ Pháp đến Na Uy và Thụy Điển.
Tôi muốn cảm ơn tất cả, từ đồng nghiệp, đại lý và đối tác của tôi trong những năm tháng chúng ta đã đi cùng nhau. Tôi đã học được rất nhiều điều khi làm việc với bạn. Chúng ta đều biết thế giới rất nhỏ bé, vì vậy chúng ta có thể sẽ gặp lại nhau trong tương lai không xa.
Những ngày tháng cuối cùng tại nơi đây, tôi đã có cơ hội có được trải nghiệm xe điện độc đáo và bây giờ tôi tin tưởng rằng đã đến lúc phải tăng tốc để xây dựng hệ sinh thái xe điện trên toàn thế giới.
Tôi không thể đưa ra quyết định nếu không nói lời cảm ơn tới vợ tôi Estelle và các con tôi Domitille, Pierre-Louis, Charles và Athénaïs. Cảm ơn quý khách hàng đã không ngừng ủng hộ, tin tưởng và yêu mến chúng tôi. BMW sẽ không thể thành công nếu không có các bạn", ông Bret chia sẻ.
Trước ông Bret, VinFast từng bổ nhiệm ông Michael Lohscheller, cựu lãnh đạo Opel và Volkswagen vào vị trí Tổng giám đốc VinFast toàn cầu. Tuy nhiên do công việc cá nhân, ông Lohscheller đã từ nhiệm sau 6 tháng nhận chức. Người thay thế ông giữ chức Tổng giám đốc VinFast toàn cầu hiện tại là bà Lê Thị Thu Thủy.