Hợp tác giữa tư nhân và chính phủ, vấn đề lớn được đặt ra nhằm đưa thành tựu nông nghiệp của Việt Nam lên nấc thang cao hơn.
Việt Nam đang muốn thông qua mô hình Đối tác công tư (PPP) để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và liên kết chuỗi giá trị. Các dự án được thực hiện nhằm gắn kết sự tham gia của các bên: chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân.
Chi phí lớn và rủi ro lớn
Thông báo kết quả phối hợp triển khai giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tuần trước tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Lê Quốc Doanh, cho biết, Nhóm công tác PPP về rau quả được tập trung triển khai ở Lâm Đồng.
Từ năm 2010, Nhóm công tác PPP đã hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác; sử dụng giống FL2215; FL2007 kháng bệnh và ưu điểm vượt trội của 2 giống này so với các giống khác là trồng được cả trong mùa mưa.
Thứ trưởng Doanh còn nói rằng, hệ thống tưới tiết kiệm nước và hai giống khoai tây FL2215 và FL2007 của Công ty PepsiCo đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận và được phổ biến trong sản xuất.
Trên thực tế, đầu tư theo hình thức PPP vào nông nghiệp mang tính chất tiên tiến, nhưng cũng gắn với hai vấn đề: Chi phí lớn và rủi ro lớn do thời gian đầu tư dài. Rủi ro ở đây, có thể đến từ thị trường, từ đối tác, đặc biệt là rủi ro chính sách.
Việt Nam từ năm 2009, đã thành lập một số nhóm công tác ngành hàng nông nghiệp theo hình thức PPP. Nhưng đến hết năm 2017, mới có trên 80.000 nông hộ đã tham gia dự án PPP thí điểm với khoảng 97.000 ha.
Việc thiếu nguồn lực tài chính đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư, mở rộng vùng liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, trong khi cơ chế hợp tác với nông dân lỏng lẻo.Theo Ban Thư ký Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV), hầu hết các dự án PPP nông nghiệp có quy mô nhỏ, chưa có sự phối hợp của nhiều đơn vị để cùng thực hiện dự án.
Trên thực tế, thu hút đầu tư vào nông nghiệp theo hình thức PPP là không dễ. Nông nghiệp vốn nhiều rủi ro, mà chi phí đầu tư theo hình thức PPP cho một hệ thống sản xuất, chế biến nông sản lại rất lớn.
Bà Krista Pilot, Phó Chủ tịch, Phụ trách quan hệ đối ngoại vùng Trung Đông, Bắc Phi của PepsiCo, nhận định: "Chính phủ Việt Nam muốn thông qua PPP để thu hút nhiều hơn vốn đầu tư vào nông nghiệp, mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ mới, nhưng vẫn đặt trọng tâm vào người nông dân".
PepsiCo, theo bà Krista Pilot, đặt ra những tiêu chuẩn và tiêu chuẩn hoá quy trình sản xuất, đồng thời tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân. Bởi vì, chỉ khi nông dân có năng lực sản xuất tốt hơn mới có thể tham gia vào chuỗi sản xuất mà chúng tôi đang vận hành.
Bà Krista Pilot nói rằng: "Thương nhân sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian để mang lại thành công nếu thiếu vai trò định hướng và hỗ trợ của khối công. Ở chiều ngược lại, khối công cần doanh nghiệp đưa ra những ý tưởng cụ thể, đầu tư nguồn vốn và triển khai dự án".
Dẫn chứng công nghệ và giống mới, bà Krista Pilot nói là hai yếu tố quan trọng làm tăng năng suất trồng khoai tây của người nông dân trong dự án của PepsiCo tại Lâm Đồng lên gấp gần 3 lần, từ 7-8 tấn/ha năm 2007 đã tăng lên 22 tấn/ha vào năm 2017.
Sang năm 2018, năng suất trồng khoai tây của PepsiCo tại Lâm Đồng đã tiếp tục tăng lên 24 tấn/ha, với sản lượng dự tính đạt 9.700 tấn. Hiện, PepsiCo đã mở rộng mô hình trồng khoai tây tại Đắk Lắk.
Thế nhưng, ngay cả với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm như PepsiCo, nơi doanh nghiệp và nông dân cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro, thủ tục đăng ký áp dụng giống mới, kỹ thuật mới mất nhiều thời gian, trong khi doanh nghiệp và nông dân luôn có áp lực về yêu cầu mùa vụ.
Thúc đẩy tư nhân làm nông nghiệp
Chính sách cho nông nghiệp được Việt Nam bàn nhiều tại WEF, tập trung vào việc thúc đẩy chính sách cho phát triển khối tư nhân tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, những yếu tố không thể thiếu để đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển lên nấc thang cao hơn.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, triển khai PPP trong nông nghiệp, doanh nghiệp là thành phần chủ chốt, nhưng dự án sẽ không hiệu quả nếu tiếp tục để doanh nghiệp "đi một mình".
Do đó, để tăng đầu tư vào nông nghiệp theo hình thức PPP, ông Lê Quốc Doanh, nói rằng khu vực công, từ cấp bộ cho tới địa phương, cần đơn giản hóa quy trình đăng ký áp dụng giống mới, kỹ thuật mới, cũng như tăng cường các các buổi đối thoại với doanh nghiệp và liên kết các nhà tài trợ để hỗ trợ kỹ thuật cho các bên.
Vị Thứ trưởng nông nghiệp tin rằng, nếu các địa phương tham gia hỗ trợ nông dân thực hiện cam kết với doanh nghiệp sẽ giảm thiểu tình trạng nông dân bỏ hợp đồng, bán sản phẩm cho thương lái khi giá lên cao hay phá bỏ cây trồng khi giá rẻ.
Sáng kiến "Tầm nhìn mới trong nông nghiệp" thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đề ra mục tiêu nâng cao sản lượng nông nghiệp lên 20%, giảm lượng phát thải carbon 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập kỷ cho đến năm 2050. Những mục tiêu này được thực hiện thông qua việc gắn kết sự tham gia của các bên liên quan là Chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân, đặc biệt là thông qua mô hình Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét