Trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị giao dịch TPCP bình quân đạt 10.400 tỷ đồng/phiên. Ảnh: ST. |
Điều này đã góp phần giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nguồn vốn huy động nước ngoài, giúp nợ công ngày càng được cải thiện theo hướng an toàn, bền vững hơn.
Kỳ hạn tăng gấp 3 lần
Từ trước năm 2015, mặc dù Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp về khung khổ pháp lý để phát triển nhưng thị trường TPCP vẫn phải đối mặt với một số vấn đề lớn. Trước tiên, thị trường TPCP có quy mô nhỏ, chỉ khoảng 13,84% GDP vào năm 2014; trong đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) nắm giữ đến 79,7% thị phần. TPCP thời điểm này đa phần phát hành kỳ hạn dưới 5 năm dẫn đến kỳ hạn bình quân danh mục nợ TPCP có năm chỉ có 2,38 năm (cuối năm 2013), ảnh hưởng đến tính bền vững nợ công. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp tái cơ cấu thị trường gắn với tái cơ cấu nợ công nhằm mục đích kéo dài kỳ hạn danh mục nợ TPCP, đa dạng hóa nhà đầu tư trên thị trường TPCP.
Kết quả đạt được đến nay khá khả quan khi kỳ hạn TPCP được kéo dài, các sản phẩm trái phiếu phát hành trên thị trường với nhiều loại kỳ hạn, cơ sở nhà đầu tư ngày càng đa dạng và mở rộng theo hướng giảm mạnh tỷ lệ nắm giữ của các NHTM. Tính đến cuối tháng 7/2018, tỷ lệ nắm giữ của các NHTM là 51,1% (giảm mạnh so với mức khoảng 79,7% năm 2014), tương đương với các nước trong khu vực là Singapore, Malaysia và thấp hơn Trung Quốc (khoảng 68%), Thái Lan (60%). Danh mục còn lại do các nhà đầu tư là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các công ty bảo hiểm, chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư khác nắm giữ. Đặc biệt, thời gian gần đây đã có một số nhà đầu tư đăng ký hoạt động ở nước ngoài cũng bắt đầu quan tâm đến thị trường TPCP Việt Nam, cụ thể trong năm 2017, Bộ Tài chính đã phát hành được khoảng 11.000 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20, 30 năm cho đối tượng này.
Một điểm đáng chú ý nữa là sản phẩm đã được đa dạng hóa để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, thúc đẩy giao dịch trên thị trường thứ cấp TPCP. Theo đó, bên cạnh sản phẩm trái phiếu truyền thống với lãi suất cố định đã phát triển thêm sản phẩm trái phiếu không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi linh hoạt. Đồng thời, đã phát hành đa dạng các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm để hình thành đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường trái phiếu. Sự đa dạng này giúp quy mô giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng lên mức khoảng 9.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017; tăng mạnh so với mức khoảng 1.000 – 2.000 tỷ đồng/phiên trong giai đoạn 2011 – 2013. Trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10.400 tỷ đồng/phiên.
Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã chủ động phát hành TPCP kỳ hạn dài, đặc biệt là các kỳ hạn 15 năm, 20 năm, 30 năm nhằm vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư của các quỹ bảo hiểm, vừa giúp kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục nợ TPCP, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và tăng tính bền vững nợ công. Cụ thể, kỳ hạn phát hành bình quân TPCP hàng năm đã đạt mức 12,74 năm trong năm 2017; 7 tháng đầu năm 2018 đạt mức 13, 16 năm; trong khi năm 2013 chỉ là 3,21 năm. Như vậy, kỳ hạn bình quân của danh mục nợ TPCP đã được kéo dài từ mức 2,38 năm vào thời điểm cuối năm 2013 lên mức 6,71 năm cuối năm 2017 và lên mức 6,73 năm vào thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thị trường, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để từng bước tái cơ cấu các loại trái phiếu có lãi suất phát hành cao trong thời gian trước đây, tái cơ cấu các loại trái phiếu có kỳ hạn ngắn thành các loại có kỳ hạn dài hơn thông qua các nghiệp vụ mua lại, hoán đổi trên thị trường. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện thường xuyên các nghiệp vụ này để tiếp tục cải thiện danh mục nợ TPCP.
Như vậy có thể thấy, TPCP ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của nền kinh tế. Việc cơ cấu lại thị trường về cơ sở nhà đầu tư, về kỳ hạn của danh mục nợ thông qua tập trung phát hành các trái phiếu dài hạn từ 5 năm đến 30 năm, sử dụng các nghiệp vụ tái cơ cấu, mua lại, hoán đổi đã làm cho danh mục nợ TPCP nói riêng và danh mục nợ công nói chung ngày càng được cải thiện theo hướng bền vững hơn. Xu hướng này cũng phù hợp với Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển thị trường vốn, từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động nước ngoài nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và đã tốt nghiệp IDA, kênh nhận vốn ưu đãi từ nhà tài trợ nước ngoài.
Rút ngắn thời gian phát hành, niêm yết
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, mặc dù thị trường TPCP Việt Nam có sự phát triển nhanh trong thời gian qua nhưng so với tiềm năng của nền kinh tế và các nước trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tính đến thời điểm tháng 7/2018, dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam là 39,9% GDP năm 2017, trong đó dư nợ thị trường TPCP là 29,2% GDP. Trong khi đó, tại thời điểm hiện tại, quy mô thị trường trái phiếu của Malaysia là 95% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,7% GDP); Singapore là 81,1% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,6% GDP), Thái Lan là 73% GDP (thị trường TPCP chiếm 53% GDP), Hàn Quốc là 124,6% GDP (thị trường TPCP chiếm 73,6% GDP), Trung Quốc là 68,8% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,8% GDP).
Về thanh khoản của thị trường, tính chung 7 tháng đầu năm 2018, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10,4 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 15% so với bình quân năm 2017. So với các quốc gia trong khu vực, giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp TPCP Việt Nam tương đương với giá trị giao dịch bình quân phiên của Thái Lan (khoảng 550 triệu USD/phiên - tương đương 12,6 nghìn tỷ đồng/phiên); tuy nhiên vẫn thấp hơn một số quốc gia như Hàn Quốc và Singapore (giá trị giao dịch bình quân vào khoảng 1,4 tỷ USD/phiên - tương đương khoảng 32 nghìn tỷ đồng/phiên).
Phân tích nguyên nhân, bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho rằng: Việc quy mô thị trường TPCP Việt Nam vẫn còn nhỏ so với một số các quốc gia trong khu vực như trên là do sự phát triển của nền kinh tế còn ở mức độ thấp nên nguồn vốn tiết kiệm dài hạn từ các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí bắt buộc còn hạn chế, trong khi hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện đang bắt đầu hình thành. Hoạt động của nhà tạo lập thị trường chủ yếu tập trung trên thị trường sơ cấp, vai trò trên thị trường thứ cấp còn hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường thời gian qua.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó đặt mục tiêu phát triển thị trường TPCP thành kênh huy động vốn cơ bản cho NSNN và trở thành thị trường chuẩn để phát triển thị trường tài chính. Để đạt được mục tiêu này, bà Hiền cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp.
Trước tiên, đối với thị trường sơ cấp, việc phát triển các sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh được ưu tiên bên cạnh phát hành đều đặn, liên tục các kỳ hạn để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư và tiếp tục tái cơ cấu sản phẩm để tăng tính bền vững của danh mục nợ TPCP.
Đối với thị trường thứ cấp, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các giải pháp nhằm tăng thanh khoản trên thị trường, tăng quy mô giao dịch. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ trên thị trường chứng khoán. "Theo đó, trong năm 2019, chúng tôi sẽ tập trung phát triển nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ theo thông lệ quốc tế, thí điểm nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn 2 chiều đối với nhà tạo lập thị trường nhằm thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp" - bà Phan Thị Thu Hiền nói.
Về giải pháp phát triển nhà đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu Bảo hiểm Xã hội tham gia mua, bán TPCP trên thị trường để tiếp tục cơ cấu lại nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu; phát triển cơ sở nhà đầu tư nước ngoài, quan tâm thu hút nhà đầu tư dài hạn; phát triển các quỹ hưu trí tự nguyện, các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Ngoài ra, việc hiện đại hóa công nghệ thông tin về hệ thống đấu thầu, đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu, phấn đấu rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết trái phiếu từ T+2 xuống còn T+1 nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu sẽ được tiếp tục thực hiện để phát triển định chế trung gian và dịch vụ thị trường.
Ngân hàng thương mại mua TPCP không ảnh hưởng đến hoạt động cho vayVề mục đích, NHTM nắm giữ TPCP với 2 mục tiêu. Thứ nhất là mua và nắm giữ trái phiếu để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn và sinh lời. Thứ hai là mua để kinh doanh trái phiếu khi có nguồn vốn nhàn rỗi nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Trong quá trình hoạt động, các NHTM luôn tuân thủ nghiêm ngặt các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của NHNN. Như vậy, việc nắm giữ TPCP của các NHTM vừa đáp ứng nhu cầu đảm bảo an toàn vốn trong kinh doanh vừa tối đa hoá hiệu quả sử dụng vốn nhàn rỗi trong phạm vi an toàn của NHNN. Bên cạnh đó, TPCP cũng là công cụ hỗ trợ để NHNN điều hành chính sách tiền tệ như thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn. Về số liệu, tại thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ đầu tư TPCP chiếm 7,28% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, trong khi dư nợ tín dụng chiếm 65% tổng tài sản, tương đương 130% GDP. Như vậy, có thể khẳng định, việc mua TPCP của các NHTM không ảnh hưởng đến đến hoạt động cho vay. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét