Việt Nam có tiềm năng trở thành một ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô và đang tìm cách thâm nhập vào thị trường xe điện để đạt được điều đó. Điều này khiến ngành ô tô trở nên hấp dẫn đối với các công ty ô tô nước ngoài đang tìm kiếm một trung tâm sản xuất trong khu vực.
Một bài viết trên The Diplomat cho thấy trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan từ lâu đã thống trị lĩnh vực này bằng cách chuyên xuất khẩu và theo đuổi cải cách thị trường. Ngoài Thái Lan, gần đây, tại Indonesia - chủ yếu được thúc đẩy bởi sức mạnh của nhu cầu trong nước, cũng đã bắt đầu bắt kịp và thách thức vị trí thống trị của Thái Lan.
Bây giờ, Việt Nam đã nhập cuộc và bắt đầu thúc đẩy ngành xe điện. Liệu những tham vọng này có mang tính thiết thực? - tờ báo đặt câu hỏi.
Cơ hội nào cho Việt Nam cạnh tranh Thái Lan và Indonesia?
Điều này rõ ràng phù hợp với quá trình công nghiệp hóa tổng thể hướng tới xuất khẩu, nơi đã và đang thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chế tạo ô tô là một hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng khá cao và các nước công nghiệp phát triển thường ưu tiên ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Mục tiêu cuối cùng, đặc biệt đối với Việt Nam, là trở thành một trung tâm xuất khẩu, nhưng điều này vẫn chưa được hoàn thành. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, đã có 283.983 chiếc được bán ra vào năm 2020. Trong đó, khoảng 2/3 là xe lắp ráp trong nước và phần còn lại là xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Theo báo cáo của Hanoi Times, nhập khẩu ô tô vào Việt Nam năm 2020 giá trị 2,35 tỷ USD, trong đó Indonesia và Thái Lan là hai trong số các nhà cung cấp hàng đầu. Để so sánh, Indonesia và Thái Lan thường xuyên sản xuất và bán hơn một triệu xe mỗi năm.
Vì vậy, Việt Nam gặp nhiều thách thức khi muốn cạnh tranh với những quốc gia dẫn đầu. Hơn nữa, phần lớn hoạt động sản xuất ô tô tại Việt Nam liên quan đến các nhà máy trong nước, được các nhà sản xuất ô tô nước ngoài cấp phép lắp ráp xe từ các bộ linh kiện nhập khẩu.
Loại hoạt động này có vai trò thấp hơn trong chuỗi giá trị, bởi vì các thành phần công nghệ cao như động cơ thường được sản xuất ở nước ngoài, sau đó được chuyển đến Việt Nam để lắp ráp thành các sản phẩm cuối cùng.
Vì vậy, các công ty trong nước có được khả năng tự chế tạo và thiết kế các thành phần chính như vậy sẽ nắm nhiều lợi thế. Điều đó liên quan đến mức đầu tư cao vào R&D, vốn nhân lực và chuyển giao công nghệ, những thứ sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.
Nhân tố VinFast
Vingroup là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Vingroup hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như bất động sản, giáo dục, chăm sóc sức khỏe,… Một trong những đơn vị được quan tâm nhất hiện nay của Vingroup là VinFast, công ty sản xuất ô tô được thành lập vào năm 2017.
Theo Báo cáo thường niên của Vingroup, VinFast đã bán được 31.500 ô tô và 45.400 xe máy điện vào năm 2020, đây là mức tăng trưởng khá nhanh đối với một công ty chỉ mới vài năm tuổi. VinFast hiện đang cố gắng chuyển sang sản xuất xe điện.
Theo dữ liệu của cổ đông, Vingroup là một công ty tư nhân. The Diplomat cho rằng Vingroup có thể là một ví dụ trong việc một tập đoàn tư nhân có thể phát triển và đóng góp nhiều cho kinh tế một quốc gia.
Trong trường hợp này, việc tận dụng công nghệ để thúc đẩy sự đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng nhanh trong các sản phẩm cần nhiều kiến thức và kỹ năng, và ô tô điện là một lựa chọn tốt.
Các chuyên gia của The Diplomat tìm thấy các mô hình tương tự ở những quốc gia mà nhà nước có sự ảnh hưởng lớn như Indonesia, nơi các công ty khởi nghiệp công nghệ như Gojek đã và đang thúc đẩy giới hạn đổi mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc không bị gánh nặng bởi các cơ cấu sở hữu và kiểm soát của nhà nước đã mang đến kết quả rõ ràng khi các công ty do tư nhân nắm giữ này tỏ ra khá giỏi trong việc đổi mới.
Tuy nhiên, liệu điều này có đủ để giúp VinFast có lợi thế trong cuộc đua xe điện? Lĩnh vực này vốn đã được quan tâm trong thời gian gần đây, với việc cả Thái Lan và Indonesia cũng đang đặt mục tiêu vào sự bùng nổ xe điện.
Thực tế, chính phủ hai quốc gia này đã và đang hỗ trợ ngành xe điện thông qua nhiều cách khác nhau. Indonesia đang tận dụng quyền kiểm soát quặng niken thô, một nguyên liệu đầu vào thiết yếu trong sản xuất pin lithium-ion, để khuyến khích đầu tư hạ nguồn vào sản xuất xe điện.
Tại Thái Lan, nơi đã có cơ sở hạ tầng sản xuất ô tô phát triển tốt, tập đoàn dầu khí nhà nước PTT đang hợp tác với một công ty xe điện của Trung Quốc để mở rộng quy mô sản xuất.
Liệu VinFast có thể bắt kịp những quốc gia này mà không cần đến sự giúp sức rõ ràng hơn từ nhà nước? Liệu công ty có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Thái Lan và Indonesia trong các lĩnh vực mới nổi như xe điện? Chúng ta sẽ phải chờ xem, nhưng có một điều khá rõ ràng vào thời điểm này: cuộc đua giành thị phần thống trị thị trường xe điện ở Đông Nam Á đang diễn ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét