Việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đồng nghĩa với việc cuộc đấu giá đất kim cương Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ bất thành. Theo Luật sư Trần Minh Hải, TP HCM sẽ đấu giá lại để lựa chọn nhà đầu tư mới.
Trong tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước mới đây, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã xin đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Lô đất này do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bỏ giá 24.500 tỷ đồng để trúng đấu giá vào ngày 10/12. Ông Đỗ Anh Dũng cũng từng chia sẻ tham vọng về việc một toà nhà tỷ phú mang tên D'Billionaire tại đây.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, "với mức trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 tạ Thủ Thiêm là bất thường và đây là điển hình làm nhiễu loạn thị trường".
Trước đó vào ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới, nhằm đảm bảo phù hợp, đúng quy định pháp luật.
Việc nhóm Tân Hoàng Minh bỏ cọc đồng nghĩa với việc cuộc đấu giá bất thành và liệu số phận khu đất sẽ ra sao?
Tờ The Diplomat nhận định VinFast có thể trở thành lá cờ đầu giúp Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia có thế mạnh về lĩnh vực ô tô ở Đông Nam Á như Indonesia và Thái Lan.
Việt Nam có tiềm năng trở thành một ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô và đang tìm cách thâm nhập vào thị trường xe điện để đạt được điều đó. Điều này khiến ngành ô tô trở nên hấp dẫn đối với các công ty ô tô nước ngoài đang tìm kiếm một trung tâm sản xuất trong khu vực.
Một bài viết trên The Diplomat cho thấy trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan từ lâu đã thống trị lĩnh vực này bằng cách chuyên xuất khẩu và theo đuổi cải cách thị trường. Ngoài Thái Lan, gần đây, tại Indonesia - chủ yếu được thúc đẩy bởi sức mạnh của nhu cầu trong nước, cũng đã bắt đầu bắt kịp và thách thức vị trí thống trị của Thái Lan.
Bây giờ, Việt Nam đã nhập cuộc và bắt đầu thúc đẩy ngành xe điện. Liệu những tham vọng này có mang tính thiết thực? - tờ báo đặt câu hỏi.
Cơ hội nào cho Việt Nam cạnh tranh Thái Lan và Indonesia?
Điều này rõ ràng phù hợp với quá trình công nghiệp hóa tổng thể hướng tới xuất khẩu, nơi đã và đang thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chế tạo ô tô là một hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng khá cao và các nước công nghiệp phát triển thường ưu tiên ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Mục tiêu cuối cùng, đặc biệt đối với Việt Nam, là trở thành một trung tâm xuất khẩu, nhưng điều này vẫn chưa được hoàn thành. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, đã có 283.983 chiếc được bán ra vào năm 2020. Trong đó, khoảng 2/3 là xe lắp ráp trong nước và phần còn lại là xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Theo báo cáo của Hanoi Times, nhập khẩu ô tô vào Việt Nam năm 2020 giá trị 2,35 tỷ USD, trong đó Indonesia và Thái Lan là hai trong số các nhà cung cấp hàng đầu. Để so sánh, Indonesia và Thái Lan thường xuyên sản xuất và bán hơn một triệu xe mỗi năm.
Vì vậy, Việt Nam gặp nhiều thách thức khi muốn cạnh tranh với những quốc gia dẫn đầu. Hơn nữa, phần lớn hoạt động sản xuất ô tô tại Việt Nam liên quan đến các nhà máy trong nước, được các nhà sản xuất ô tô nước ngoài cấp phép lắp ráp xe từ các bộ linh kiện nhập khẩu.
Loại hoạt động này có vai trò thấp hơn trong chuỗi giá trị, bởi vì các thành phần công nghệ cao như động cơ thường được sản xuất ở nước ngoài, sau đó được chuyển đến Việt Nam để lắp ráp thành các sản phẩm cuối cùng.
Vì vậy, các công ty trong nước có được khả năng tự chế tạo và thiết kế các thành phần chính như vậy sẽ nắm nhiều lợi thế. Điều đó liên quan đến mức đầu tư cao vào R&D, vốn nhân lực và chuyển giao công nghệ, những thứ sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.
Nhân tố VinFast
Vingroup là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Vingroup hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như bất động sản, giáo dục, chăm sóc sức khỏe,… Một trong những đơn vị được quan tâm nhất hiện nay của Vingroup là VinFast, công ty sản xuất ô tô được thành lập vào năm 2017.
Theo Báo cáo thường niên của Vingroup, VinFast đã bán được 31.500 ô tô và 45.400 xe máy điện vào năm 2020, đây là mức tăng trưởng khá nhanh đối với một công ty chỉ mới vài năm tuổi. VinFast hiện đang cố gắng chuyển sang sản xuất xe điện.
Theo dữ liệu của cổ đông, Vingroup là một công ty tư nhân. The Diplomat cho rằng Vingroup có thể là một ví dụ trong việc một tập đoàn tư nhân có thể phát triển và đóng góp nhiều cho kinh tế một quốc gia.
Trong trường hợp này, việc tận dụng công nghệ để thúc đẩy sự đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng nhanh trong các sản phẩm cần nhiều kiến thức và kỹ năng, và ô tô điện là một lựa chọn tốt.
Các chuyên gia của The Diplomat tìm thấy các mô hình tương tự ở những quốc gia mà nhà nước có sự ảnh hưởng lớn như Indonesia, nơi các công ty khởi nghiệp công nghệ như Gojek đã và đang thúc đẩy giới hạn đổi mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc không bị gánh nặng bởi các cơ cấu sở hữu và kiểm soát của nhà nước đã mang đến kết quả rõ ràng khi các công ty do tư nhân nắm giữ này tỏ ra khá giỏi trong việc đổi mới.
Tuy nhiên, liệu điều này có đủ để giúp VinFast có lợi thế trong cuộc đua xe điện? Lĩnh vực này vốn đã được quan tâm trong thời gian gần đây, với việc cả Thái Lan và Indonesia cũng đang đặt mục tiêu vào sự bùng nổ xe điện.
Thực tế, chính phủ hai quốc gia này đã và đang hỗ trợ ngành xe điện thông qua nhiều cách khác nhau. Indonesia đang tận dụng quyền kiểm soát quặng niken thô, một nguyên liệu đầu vào thiết yếu trong sản xuất pin lithium-ion, để khuyến khích đầu tư hạ nguồn vào sản xuất xe điện.
Tại Thái Lan, nơi đã có cơ sở hạ tầng sản xuất ô tô phát triển tốt, tập đoàn dầu khí nhà nước PTT đang hợp tác với một công ty xe điện của Trung Quốc để mở rộng quy mô sản xuất.
Liệu VinFast có thể bắt kịp những quốc gia này mà không cần đến sự giúp sức rõ ràng hơn từ nhà nước? Liệu công ty có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Thái Lan và Indonesia trong các lĩnh vực mới nổi như xe điện? Chúng ta sẽ phải chờ xem, nhưng có một điều khá rõ ràng vào thời điểm này: cuộc đua giành thị phần thống trị thị trường xe điện ở Đông Nam Á đang diễn ra.
Ngoài dịch vụ vận chuyển đào mai như thường lệ, năm nay Vietnam Airlines đã cung cấp thêm dịch vụ bán đào, mai cho các khách hàng ở TP HCM và Hà Nội.
Ngày 6/1, Hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines cho biết sẽ mở bán cành đào, hoa mai Tết, bên cạnh việc nhận chuyên chở cành đào, cành mai dưới dạng hành lý ký gửi với giá cước 495.000 đồng/cành như mọi năm.
Theo đó, từ ngày 17/1 đến hết ngày 15/2 (tức ngày 15 tháng Chạp âm lịch năm Tân Sửu đến ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Dần), Vietnam Airlines nhận chuyên chở cành đào, cành mai dưới dạng hành lý ký gửi trên các chuyến bay nội địa của hãng với mức cước là 495.000 đồng/bó (đã bao gồm VAT).
Hành khách có thể đặt mua trước dịch vụ vận chuyển mai, đào tại phòng vé của Vietnam Airlines và Pacific Airlines trên toàn quốc. Các cành đào, cành mai cần được buộc thành bó (kích thước tối đa 150x40x40cm). Các loại cây cảnh, cây hoa và các loại cây khác có chậu hoặc bọc bầu đất sẽ không được vận chuyển dưới dạng hành lý ký gửi.
Mỗi hành khách được mang theo 1 bó (mỗi bó không quá 2 cành) với điều kiện chỗ đã được xác nhận trước trên các chuyến bay do Vietnam Airlines hoặc Pacific Airlines khai thác. Đối với các loại cây cảnh khác, Vietnam Airlines chấp nhận vận chuyển dưới dạng hàng hóa.
Đặc biệt, năm nay, khách hàng có thể mua cành đào, cây mai kèm theo dịch vụ vận chuyển đến tận nhà tại Hà Nội hoặc TP HCM trên VNAMALL. Hành khách có thể bắt đầu đặt cành đào, cây mai từ ngày 7/1 và nhận hàng tận nhà trước Tết.
Khách hàng có thể mua cành đào, cây mai kèm theo dịch vụ vận chuyển đến tận nhà tại Hà Nội hoặc TP HCM trên sàn thương mại điện tử của Vietnam Airlines.
Đây là dịch vụ mới tiện lợi giúp khách hàng ở miền Nam dễ dàng mua cành đào miền Bắc; và ngược lại, người dân ở miền Bắc có thể thưởng lãm mai vàng miền Nam.
Khách hàng đặt trước xe VinFast tại Việt Nam chỉ cần trả trước 10 triệu đồng sẽ được những ưu đãi riêng cho hai mẫu xe mới.
Đúng 7h sáng 6/1, hãng xe Việt – VinFast đã tổ chức sự kiện VinFast Global EV Day tại Triển lãm CES 2022 tại Mỹ. Đây là nơi hãng xe Việt giới thiệu dải sản phẩm hoàn chỉnh kéo dài trên các phân khúc A-B-C-D-E.
Một thông tin quan trọng được bà Lê Thị Thu Thủy, CEO VinFast toàn cầu tiết lộ trong sự kiện chính là giá của hai chiếc xe điện VF 8 và VF 9, hay trước đó được biết đến với tên gọi VF e35 và VF e36, được ra mắt tại triển lãm ô tô Los Angeles Auto Show 2021.
Cụ thể, chiếc VF 8 có mức giá khởi điểm 41.000 USD tại Mỹ, hơn 36.000 euro tại châu Âu và 961 triệu đồng tại Việt Nam. Trong khi đó, VF 9 có giá khởi điểm 56.000 USD tại Mỹ, hơn 49.000 euro tại châu Âu và hơn 1,3 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam. Mức giá trên chưa bao gồm thuế kinh doanh và giá trị gia tăng, cũng như dịch vụ thuê pin cùng gói dịch vụ ADAS và Smart Services.
Hãng xe Việt sẽ áp dụng chính sách bảo hành 10 năm và mô hình cho thuê pin. Trong đó, VinFast cũng áp dụng chính sách cho thuê pin độc đáo trọn đời cho từng xe, đảm bảo tổng chi phí hàng tháng, bao gồm giá thuê pin và sạc pin chỉ tương đương chi phí xăng. Đồng thời, VinFast sẽ chi trả toàn bộ chi phí bảo dưỡng pin, thay thế miễn phí khi khả năng sạc và xả xuống dưới 70%.
Những người đặt trước xe ngay tại chương trình sẽ được tặng một bộ sạc di động của VinFast, với dịch vụ ADAS cùng các dịch vụ thông minh trọn đời. Đặc biệt, khách hàng cũng được hưởng một kỳ nghỉ trọn gói tại biệt thự Vinpearl cho cả gia đình ở một trong những khu nghỉ dưỡng 5 sao của Vinpearl trên khắp Việt Nam.
Ngoài ra, với khách hàng tại Mỹ đặt chỗ trước 200 USD sẽ được tặng một voucher ưu đãi lên tới 3.000 USD cho xe VF 8 và 5.000 USD cho VF 9. Tương tự, khách hàng tại châu Âu đặt chỗ trước 150 euro sẽ được tặng voucher ưu đãi 2.500 euro cho VF 8 và 4.200 euro cho VF 9.
Riêng tại Việt Nam, khách hàng đặt chỗ trước 10 triệu đồng sẽ nhận được ưu đãi 150 triệu đồng cho VF 8 và 250 triệu đồng cho VF 9. Chương trình này sẽ được khởi động từ ngày 6/1, kéo dài ba tháng. Voucher có thời hạn tới ngày 31/12/2023.
Cùng với việc nhận đặt hàng trước, VinFast sẽ ứng dụng công nghệ blockchain vào trải nghiệm đặt hàng, xác nhận quyền sở hữu cho người dùng. Với việc ứng dụng công nghệ blockchain, khách hàng sẽ nhận được thẻ chứng nhận VinFirst NFT (mã tài sản không thể thay thế trên blockchain) - chứng minh là khách hàng tiên phong bằng hình thức NFT.
Các quyền lợi, ưu đãi dành riêng cho các thành viên VinFirst sẽ được chuyển trực tiếp vào ví blockchain dựa trên VinFirst NFT, đảm bảo khách hàng xác thực quyền lợi ưu tiên, đồng thời mở ra nhiều cơ hội dịch vụ trong tương lai. Trước mắt, VinFast mới ứng dụng blockchain tại Mỹ và đang nghiên cứu để sớm ứng dụng công nghệ trên cho các thị trường khác.
Hai mẫu xe VF 8, VF 9 được trang bị các tính năng tự hành cấp độ 2+ cho các phiên bản Eco và Plus, cấp độ 3 và 4 cho phiên bản Premium, cùng các ứng dụng tiện ích và giải trí thông minh như: bộ ứng dụng Ngôi nhà thông minh (Smart Home), Văn phòng di động (Mobile Office), Mua sắm trên xe (In-car Shopping), Giải trí trên xe (In-car Entertainment),...
CEO BKAV, ông Nguyễn Tử Quảng cho biết doanh nghiệp đã sinh 'cụm linh kiện' hộp sạc để đầu tư cho phần tai nghe, so AirB rẻ hơn AirPod nhưng chất âm ngang ngửa.
Sáng 31/12, CEO BKAV, ông Nguyễn Tử Quảng đã chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về những thông tin xoay quanh sản phẩm tai nghe không dây AirB. Theo đó, trước những thông tin cho rằng tai nghe AirB là "sản phẩm nhập khẩu, không phải do BKAV thiết kế", ông Nguyễn Tử Quảng đã lên tiếng phản pháo.
Theo ông Quảng, hộp sạc của AirB là do BKAV thiết kế kiểu dáng, công năng, sau đó đặt hàng đối tác sản xuất. "Nếu đặt trong bộ sản phẩm tai nghe không dây AirB, thì đây (hộp sạc) được coi như một cụm linh kiện", ông Quảng cho biết.
Bộ phận chính của AirB là cặp tai nghe, ông Quảng một lần nữa khẳng định BKAV thiết kế và đặt linh kiện nước ngoài để sản xuất tại Việt Nam.
Đáng chú ý, ông Quảng cho biết với thiết kế của AirB, hộp sạc "tương tự như một củ pin dự phòng, mọi giao tiếp của tai nghe với smartphone đều các kỹ sư BKAV thiết kế trên cặp tai nghe".
Ông Quảng cho rằng sản phẩm của BKAV khác biệt với AirPods của Apple ở một điểm. Thay vì đưa bộ phận điều khiển vào hộp sạc AirB như hãng Táo Khuyết, BKAV chọn đơn giản hóa hộp sạc nhằm giảm giá thành sản xuất. Nhờ vậy, họ có thể tập trung đầu tư cho linh kiện và chất lượng âm thanh của tai nghe.
"Nhờ việc tối ưu nêu trên, mà AirB có chất âm tương đương các sản phẩm có mức giá bán gấp đôi trên thị trường. Tính riêng giá một hộp sạc của Apple đã lên đến 2,5 triệu đồng, tức là hơn cả giá 1,5 triệu đồng của AirB, gần bằng giá 2,9 triệu đồng của AirB Pro đã bao gồm cả hộp sạc", CEO BKAV đưa ra so sánh.
Như đã đưa tin, thông tin sản phẩm AirB được đồn đoán là nhập khẩu từ Trung Quốc xuất phát từ số liệu thu thập được của một chuyên trang báo Sức khoẻ và Đời sống, trên một website quản lý xuất/nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, BKAV đã nhập khẩu nhiều vỏ hộp sạc từ một công ty Trung Quốc có tên Geekor.
Cụ thể, lô hàng đầu tiên gồm 3.000 sản phẩm mang tên "Hộp sạc của tai nghe bluetooth (không kèm tai nghe), Model: AirB, mã CUM-E02A-SAC". Lô hàng thứ hai nhập 850 sản phẩm ghi "Hộp sạc của tai nghe bluetooth (không kèm tai nghe), Model: AirB Pro, mã CUM-E02B-SAC".
Cả hai lô hàng đều được đưa tới cảng hàng không quốc tế Nội Bài, ghi ngày giao dịch là 18/11/2021 và 24/11/2021 - tức là chỉ 2 đến 3 tuần trước khi BKAV chính thức mở bán tai nghe AirB (ngày 5/12/2021).
Mức giá nhập của hộp sạc AirB và AirB Pro đều là 3,56 USD/chiếc, tương đương khoảng 81.000 đồng. Hộp sạc của AirB Pro ngang bản thường do cấu trúc hộp sạc của cả hai phiên bản giống nhau. Trong phản hồi sáng nay, ông Quảng cũng chỉ nêu giá thị trường của một củ sạc dự phòng là khoảng 200.000 đồng.
Bà Lê Thị Thu Thuỷ đã gắn bó với Vingoup từ năm 2008.
"Tôi rất vui mừng khi đảm nhiệm vị trí này và sẽ nỗ lực vì mục tiêu chung, đưa VinFast thành công trên trường quốc tế và được khách hàng toàn cầu đón nhận", bà Lê Thị Thu Thuỷ - hiện là Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, chia sẻ khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu.
Theo thông tin từ phía Vingroup, bà Thuỷ sẽ đảm nhận vị trí này thay ông Michael Lohscheller từ ngày 27/12. Ông Michael Lohscheller rời Việt Nam về châu Âu vì lý do cá nhân.
Vingroup cho biết bà Thuỷ sẽ chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của công ty VinFast, hướng tới mục tiêu đưa VinFast trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu. Bà Thủy đồng thời vẫn là Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.
Bà Thuỷ sẽ làm việc tại Việt Nam, trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh tại các thị trường của VinFast hiện nay, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan. Trong giai đoạn tiếp theo, bà Thuỷ cũng chịu trách nhiệm nghiên cứu và mở rộng kinh doanh sang các thị trường tiềm năng khác trên toàn cầu.
Mục tiêu của Vingroup là xây dựng thương hiệu Việt Nam tầm cỡ quốc tế. Và hôm nay, tập đoàn đã tự hào đưa chiếc ô tô đầu tiên của Việt Nam tham dự triển lãm quốc tế, để Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ ngành công nghiệp chế tạo ô tô thế giới
Bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Vingroup kiêm Chủ tịch VinFast
Bà Lê Thị Thu Thủy sinh năm 1974 tại Bình Định. Bà có bằng Cử nhân Kinh tế của Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội, bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) của Trường Đại học Quốc tế Nhật Bản và Chứng chỉ Chuyên gia Phân tích Đầu tư Tài chính (CFA).
Bà Thuỷ từng làm việc tại chương trình tín dụng của Ủy ban châu Âu tại Việt Nam trong giai đoạn 1996 - 1998. Từ 2000 đến 2008, bà giữ chức Phó Giám đốc ngân hàng đầu tư của Lehman Brothers tại thị trường Nhật Bản, Thái Lan và Singapore.
Tháng 11/2008, vị nữ doanh nhân bắt đầu gia nhập Vingroup với vị trí là Trưởng ban Đầu tư của Tập đoàn. Trong hai năm 2011 và 2012, bà Thuỷ lần lượt được bổ nhiệm qua các vị trí như Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, rồi Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, Tổng giám đốc Công ty VinSmart.
Đáng chú ý, năm 2013, Lê Thị Thu Thuỷ là cái tên nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 199 "Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2013" - Young Global Leaders (YGL) Class of 2013, do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) bình chọn.
Với danh hiệu này, bà Lê Thị Thu Thủy đã được công nhận là thành viên chính thức của Diễn đàn Lãnh đạo trẻ toàn cầu thuộc WEF.
Tháng 6/2017 khi Vingroup quyết định gia nhập thị trường ô tô, bà Thủy đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Tập đoàn đã được Chủ tịch Phạm Nhật Vượng giao nhiệm vụ mở nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ chiến lược mới này, VinFast đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Credit Suisse AG, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới, theo đó Credit Suisse sẽ thu xếp cho VinFast khoản vay lên tới 800 triệu USD.
Bà Thủy, với kinh nghiệm về tài chính cũng như lãnh đạo tập đoàn, trở thành một trong những thành viên chủ chốt lèo lái con tàu VinFast thực hiện giấc mơ ô tô của Vingroup.
Mỗi người làm ở VinFast đều mang theo mình một sứ mệnh cao cả, đó là hiện thực hoá giấc mơ xây dựng một thương hiệu ô tô cho Việt Nam
Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thuỷ
Chia sẻ trên trước báo giới, người phụ nữ quyền lực của Vingroup cho biết: "Tháng 9/2017, tôi bắt đầu đi khắp thế giới để nói với mọi người trong ngành ô tô và cung ứng.
Họ nghĩ rằng chúng tôi điên rồi nhưng sau đó bắt đầu tin vào kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi có quan hệ tốt đẹp với BMW ngay từ lúc bắt đầu cũng như tương tác khá tốt với GM."
Và rằng "mỗi người làm ở VinFast đều mang theo mình một sứ mệnh cao cả, đó là hiện thực hoá giấc mơ xây dựng một thương hiệu ô tô cho Việt Nam. Đó là việc mà chưa từng được làm trước đây."
Được thành lập vào năm 2017, VinFast sở hữu tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô hiện đại, có quy mô lớn được đặt tại Hải Phòng, có độ tự động hóa lên đến 90%.
Mới đây VinFast đã công bố ba mẫu ô tô điện đầu tiên với chính sách cho thuê pin và chính sách bảo hành xe điện 10 năm. Từ tháng 7/2021, VinFast đã mở rộng hoạt động tới các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu. Dự kiến hai dòng sản phẩm ô tô điện thông minh VF e35 và VF e36 sẽ được VinFast chính thức mở bán toàn cầu vào nửa đầu năm 2022
Ông Phùng Anh Tuấn đã chia sẻ những hình ảnh nội thất của biệt thự triệu USD vừa mới hoàn thành trên trang Facebook cá nhân.
Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, ông chủ chuỗi cầm đồ F88 Phùng Anh Tuấn đã chia sẻ những hình ảnh về "tổ ấm" mới của mình - một căn biệt thự sang chảnh được ốp đá cẩm thạch. Biệt thự vừa hoàn thành của ông Tuấn có vị trị tại quần thể VinHomes Green Bay Mễ Trì, Hà Nội.
Biệt thự sử dụng nội thất đến từ một trong những thương hiệu nội thất hàng đầu thế giới - Minotti. Với tổng diện tích 800 m2, được thiết kế bởi kiến trúc sư thuộc Grand Design, căn biệt thự của ông chủ F88 gây ấn tượng với nhiều người nhờ lớp đá ốp cẩm thạch, đồ nội thất sang chảnh.
Ngoài ra, căn biệt thự này còn có những phòng chức năng cao cấp như bể bơi, phòng relax, nhà bếp, phòng khách và nơi nghỉ ngơi,... khiến nhiều người không khỏi choáng ngợp. Đây là biệt thự Thạch Thảo thuộc quần thể VinHomes Green Bay Mễ Trì, Hà Nội. Các biệt thự đơn lập trong khu đô thị này có giá từ 36 tỷ đồng tới 124 tỷ đồng.
Dưới đây là một số hình ảnh về căn biệt thự được ông Phùng Anh Tuấn chia sẻ trên Facebook cá nhân:
Khối tài sản khủng của ông chủ F88
Ông Phùng Anh Tuấn bắt đầu khởi nghiệp với chuỗi cửa hàng cầm đồ F88 vào năm 2013. Mong muốn ban đầu là thay đổi cách tiếp cận tài chính, bằng việc cung cấp dịch vụ nhanh chóng - dễ dàng - minh bạch.
CEO Phùng Anh Tuấn sinh năm 1984 tại Phú Thọ. Ông thường được mọi người gọi với biệt danh Tuấn Pat. Sau khi tốt nghiệp THPT Chuyên Hùng Vương, ông trở thành sinh viên đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Trước khi thành lập F88, ông Phùng Anh Tuấn từng làm giám đốc một công ty an ninh mạng.
"Thời kỳ đầu còn nhiều khó khăn, đôi lúc anh em đã phải đi cầm đồ để theo đuổi đam mê rồi nhận thấy thị trường cầm đồ vô cùng tiềm năng cũng như còn nhiều cơ hội để phát triển công ty một cách chuyên nghiệp và khác biệt nếu biết kết hợp lợi thế công nghệ của mình vào hoạt động kinh doanh. Nhưng phải đến 5 năm sau tôi mới đủ 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để thực hiện", ông Tuấn chia sẻ.
"Tâm lý 'sợ' bạn bè cười chê khi đang từ một người làm về an ninh thông tin nhảy sang cầm đồ - một nghề không nhận được thiện cảm của xã hội, thậm chí còn bị cho là gắn liền với những hành vi kiểu... xã hội đen như cho vay nặng lãi, bắt chẹt khách hàng, chiếm dụng tài sản.... đã khiến tôi mất ngủ vài đêm", ông chủ F88 nói về thời gian đầu khởi nghiệp.
F88 được Quỹ Mekong Enterprise Fund III thuộc Mekong Capital và Granite Oak đầu tư vốn. Vào thời điểm cuối năm 2019, Granite Oak từng định giá F88 xấp xỉ 2.100 tỷ đồng. Năm 2020, hai quỹ đầu tư này đã tiếp tục rót vốn cho chuỗi cầm đồ này, phục vụ việc mở rộng chuỗi phòng giao dịch của F88 cũng như việc tăng dư nợ cho vay.
Tính tới tháng 12/2021, chuỗi đã mở rộng cho vào hoạt động 500 phòng giao dịch trên 60 tỉnh thành phố. F88 cũng vừa ký kết hợp tác chiến lược với ngân hàng quốc tế CIMB, triển khai dịch vụ tài chính cho khách hàng tại Việt Nam.
Với thương vụ hợp tác này, F88 dự kiến cung cấp sản phẩm cho vay mới với mức lãi suất ưu đãi và dễ dàng tiếp cận để hỗ trợ tối đa các đối tượng khách hàng có nhu cầu vay vốn cho người lao động có thu nhập thấp và tiểu thương buôn bán nhỏ.
Gần đây nhất, F88 vừa công bố dịch vụ cho vay tiêu dùng và vay mua hàng kết hợp với Thế Giới Di Động. Cụ thể, khách hàng hoàn toàn có thể tới các cửa hàng thuộc chuỗi Thế Giới Di Động để vay tiền mà không cần phải mua hàng.