Càng ngày, ngân hàng càng áp dụng nhiều loại phí. Nộp tiền mặt vào tài khoản, người nộp phải trả phí kiểm đếm tiền. Nếu không, phải để tiền trong tài khoản hai ngày, sau đó mới chuyển đi đâu hay thanh toán gì, thì sẽ không phải trả phí kiểm đếm. Chuyển tiền ra nước ngoài (du học, du lịch, chữa bệnh...) cũng mất phí kiểm đếm, kể cả nộp bằng ngoại tệ mặt. Tuy nhiên nếu mua ngoại tệ của ngân hàng để chuyển, thì được miễn phí này. Thống kê cho thấy danh sách thu phí dịch vụ của ngân hàng hiện nay lên tới hàng trăm loại áp dụng cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy danh sách thu phí dịch vụ của ngân hàng hiện nay lên tới hàng trăm loại áp dụng cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp. |
Chuyển tiền giữa các tài khoản (của người này cho người khác) trong hệ thống của một ngân hàng thường không bị thu phí nếu các tài khoản ở trên cùng một địa bàn, chẳng hạn cùng ở TPHCM dù ở các chi nhánh khác nhau. Nhưng nếu tài khoản ở Hà Nội mà chuyển tiền vào tài khoản ở Đồng Nai, hay TPHCM, tức các tỉnh thành phía Nam, bắt buộc phải trả phí. Mức phí khác nhau, có khi là 0,03% số tiền chuyển.
Thống kê cho thấy danh sách thu phí dịch vụ của ngân hàng hiện nay lên tới hàng trăm loại áp dụng cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp. Hoạt động dịch vụ của tổ chức tín dụng mở rộng không chỉ ở dịch vụ thanh toán, bảo lãnh xuất nhập khẩu, thẻ các loại, bán sản phẩm bảo hiểm, kinh doanh ngoại hối, vàng, ngân quỹ, mà còn lan sang cả đầu tư, M&A... Ngân hàng nào có lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro tín dụng thấp, và mức tăng trưởng của lợi nhuận này không đạt kết quả như mong muốn, có xu hướng nâng phí dịch vụ.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) nằm trong số này. Quí 4-2017 tín dụng của Vietcombank không tăng trưởng, và tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động cuối năm ngoái chỉ đạt 75,5%. Chẳng lạ gì đầu tháng 3-2018 Vietcombank áp dụng biểu phí dịch vụ mới, trong đó nhiều loại phí tăng lên. Chưa đầy hai tuần sau, Vietcombank lại công bố điều chỉnh biểu phí dịch vụ mới cho Mobile banking plus có hiệu lực từ giữa tháng 4-2018.
Vietcombank đang nỗ lực đẩy lãi thuần từ hoạt động dịch vụ từ mức 2.541 tỉ đồng năm 2017 (theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Vietcombank) lên trên 4.000 tỉ đồng năm nay (tính cả lợi nhuận từ thoái vốn khỏi một số ngân hàng như Phương Đông, Eximbank, Quân đội nếu diễn ra suôn sẻ). Cho đến nay, tỷ lệ lãi thuần từ dịch vụ trên tổng thu nhập lãi thuần của Vietcombank vẫn đang dẫn đầu hệ thống, song xét về số tuyệt đối, Vietcombank đang kém BIDV ở mảng này.
BIDV và VietinBank có thu nhập lãi thuần hai năm gần đây bứt phá mạnh nhờ tỷ lệ dư nợ/huy động vốn luôn ở mức cao, có thời điểm tới 95-99%. Tất nhiên tỷ lệ cao này phải đi kèm với kiểm soát chất lượng tín dụng rất chặt chẽ nếu không nợ xấu sẽ phát sinh.
Một điểm nhấn là các năm trước lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng tương đối khá, nay không còn được như vậy do tỷ giá ổn định và vốn ngoại vào Việt Nam dồi dào. Để kiếm lợi nhuận, bộ phận kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng cần phải chuyển sang kinh doanh sự chênh lệch tỷ giá giữa các cặp ngoại tệ mạnh, điều vốn không phải là sở trường của họ.
Ở khối các ngân hàng cổ phần, một số có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ năm ngoái đột biến. Hai nguyên nhân được nhìn ra. Thứ nhất một số ngân hàng nhận được khoản phí từ các công ty bảo hiểm khi ký hợp đồng đại lý độc quyền bán sản phẩm bảo hiểm. Khoản phí này thường có giá trị từ 800-1.000 tỉ đồng, về nguyên tắc phải được phân bổ trong vòng 10-15 năm tùy vào hợp đồng độc quyền giữa hai bên là công ty bảo hiểm và ngân hàng. Thế nhưng không ít ngân hàng đã "linh hoạt" ghi nhận luôn một cục khoản phí trên ngay cho năm 2017.
Thứ hai, một số ngân hàng thoái các khoản đầu tư, kể cả đầu tư vào ngân hàng khác để giải quyết sở hữu chéo, hoặc chuyển nhượng công ty tài chính. Có ngân hàng báo lãi cả ngàn tỉ đồng nhờ chuyển nhượng công ty tài chính. Giới quan sát dự báo nay mai có thể còn có trào lưu ngân hàng bán vốn ở các công ty con như công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm và lợi nhuận dịch vụ tăng vọt không chừng.
Dạo gần đây một số ngân hàng bắt đầu tiến vào mảng quản lý tài sản cho cá nhân, tổ chức, nhất là những ngân hàng có kinh nghiệm trong quản lý quỹ nhờ hợp tác với các pháp nhân đầu tư hoặc ngân hàng đầu tư nước ngoài. Ngân hàng đầu tư vốn là hoạt động sở trường của các định chế tài chính quốc tế và nó đã từng manh nha ở Việt Nam giai đoạn 2006-2007, nhưng mau chóng chết yểu bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 quét qua khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Các ngân hàng Việt đã rất thận trọng sau "cơn lốc 2008". Một ngân hàng cho biết quản lý tài sản mới đang chỉ dừng ở mức thí điểm với quy mô tối thiểu nhất, chủ yếu để đào tạo kỹ năng cho đội ngũ nhân viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét